TIN TỨC XÃ HỘI

Ngày dân số thế giới 2018
[ Cập nhật vào ngày (27/11/2018) ]


THÀNH CÔNG CỦA KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH LÀ TIỀN ĐỀ CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG


Tuyên bố Teheran về Quyền con người ban hành ngày 13 tháng 5 năm 1968 tại Hội nghị Quốc tế về Quyền con người do Liên hợp quốc tổ chức cách đây 50 năm đã khẳng định rõ các cặp vợ chồng hoàn toàn có quyền tự mình đưa ra các quyết định về thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cho chính bản thân mình. Mặc dù chúng ta đã đạt được những tiến bộ to lớn kể từ năm 1968, nhưng hiện nay vẫn có hàng trăm triệu phụ nữ, nam giới và thanh niên chưa có cơ hội được tự mình đưa ra các quyết định này. Hiện nay có khoảng 214 triệu phụ nữ có nhu cầu tránh thai nhưng chưa tiếp cận được với các dịch vụ và biện pháp tránh thai hiện đại.


Nghị quyết này chính là cơ sở cho chúng ta tổ chức các sự kiện và các hoạt động tuyên truyền vận động nhân ngày Dân số Thế giới. Nghị quyết cũng mang lại nhiều ý tưởng cho các hoạt động và có thể mang lại nhiều chủ đề cho chúng ta lựa chọn.

TRÍCH DẪN PHÁT BIỂU CỦA GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH QUỸ DÂN SỐ LIÊN HỢP QUỐC (UNFPA) – TIẾN SỸ NATALIA KANEM

50 năm trước, tại Hội nghị quốc tế đầu tiên về Quyền con người, thế giới đã thừa nhận kế hoạch hóa gia đình là một quyền cơ bản của con người. Kể từ thời điểm đó tới nay, chúng ta đã đạt được rất nhiều tiến bộ đáng kể. 


Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, gần 700 triệu phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên tại các nước đang phát triển đang được sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại – đây được coi là phương tiện tốt nhất giúp một cá nhân thực hiện quyền của mình….. 


Khi đó bản thân người phụ nữ có thể chủ động hơn trong việc đưa ra các quyết định có liên quan tới cuộc sống của chính mình. Họ có thể tiếp tục học lên các bậc học cao hơn, có thể tìm được công ăn việc làm tốt hơn, có thể đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội và góp phần tạo nên sự thịnh vượng chung trên toàn cầu. Khi phụ nữ chủ động hơn về tài chính, con cái họ sẽ có cơ hội được học hành tốt hơn và những lợi ích như vậy sẽ tiếp tục được duy trì cho các thế hệ tương lai.


QUYỀN CON NGƯỜI


Cách tiếp cận dựa trên quyền trong thực hiện KHHGĐ nhìn nhận các cá nhân dưới góc độ là con người với đầy đủ các quyền – họ là những chủ thể độc lập chứ không phải là người thụ hưởng thụ động. Cách thức tiếp cận này được xây dựng dựa trên việc xác định rõ ràng ai là người được hưởng quyền/có quyền (các cá nhân) và ai là những người có trách nhiệm (chính phủ và những chủ thể khác) hỗ trợ việc thực hiện các quyền đó. Hiện nay, thực hiện KHHGĐ được nhiều người thừa nhận là cơ sở cho việc thực hiện rất nhiều quyền khác. 


Kể từ khi Tuyên bố về Nhân quyền Teheran được công bố vào năm 1968, rất nhiều các Hiệp ước, Công ước và Thỏa thuận liên quan tới quyền và chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) đều một lần nữa khẳng định lại quyền này của con người.


Các Hiệp ước, Công ước và Thỏa thuận này bao gồm: 
1969: Tuyên ngôn của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về Phát triển và Tiến bộ Xã hội, Nghị quyết số 2542 (XXIV) nhấn mạnh rằng để thực hiện được các quyền này, “cần cung cấp cho các gia đình kiến thức và các phương tiện cần thiết làm cơ sở cho họ thực hiện các quyền của mình…”


1979: Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) là một hiệp ước nhân quyền toàn cầu. Công ước này đặc biệt ghi rõ “KHHGĐ là chìa khóa để đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho gia đình”. Điều 10 (h) của Công ước quy định: “[Các Quốc gia cần đảm bảo việc] tiếp cận được với các thông tin giáo dục cụ thể, bao gồm thông tin và tư vấn về kế hoạch hoá gia đình, nhằm đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của gia đình”. Điều 12.1 quy định: “Các Quốc gia thành viên cần thực hiện mọi biện pháp thích hợp để loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ trong chăm sóc sức khỏe nhằm đảm bảo việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe (bao gồm các dịch vụ liên quan đến kế hoạch hoá gia đình) trên cơ sở bình đẳng giữa nam giới và nữ giới”. Điều 14.2 quy định: “Các Quốc gia thành viên cần thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp để loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ hiện đang sinh sống tại khu vực nông thôn [và] đảm bảo rằng họ được thực hiện các quyền sau: (b) quyền được tiếp cận với các cơ sở chăm sóc sức khỏe toàn diện, bao gồm được cung cấp thông tin, tư vấn và cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình”. Điều 16.1 quy định: “Các quốc gia cần đảm bảo rằng nam và nữ đều có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận với các thông tin, giáo dục và phương tiện làm cơ sở để thực hiện các quyền của mình”.


1994: Tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển tổ chức tại Cairo, 179 quốc gia đã đồng thuận với quan điểm cho rằng dân số và phát triển gắn kết chặt chẽ với nhau và trao quyền cho phụ nữ, đáp ứng các nhu cầu của người dân về giáo dục và y tế, bao gồm cả nhu cầu về chăm sóc SKSS chính là cơ sở quan trọng để tạo ra sự tiến bộ cho mỗi cá nhân đồng thời đạt được sự phát triển cân bằng trong xã hội. Hội nghị đã thông qua một Chương trình hành động tập trung vào các vấn đề liên quan tới nhu cầu và quyền của mỗi cá nhân thay vì tập trung vào việc đạt được các mục tiêu nhân khẩu học. Các mục tiêu cụ thể của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển tập trung đảm bảo việc tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc SKSS, bao gồm cả kế hoạch hoá gia đình. 


1995: Tuyên bố Bắc Kinh và Nền tảng Hành động của Hội nghị thế giới lần thứ tư về Phụ nữ do Liên hợp quốc tổ chức một lần nữa đã nhấn mạnh về quyền của mỗi cá nhân trong việc đưa ra các quyết định liên quan tới thực hiện KHHGĐ – đây chính là các vấn đề đã được bao quát trong Chương trình hành động của Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển. 


2015: Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển Bền vững, trong Mục tiêu Phát triển số 3, các nhà lãnh đạo thế giới đã đồng ý đảm bảo việc "tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc SKSS/sức khỏe tình dục, bao gồm thực hiện KHHGĐ, cung cấp thông tin và giáo dục” tới năm 2030”.

KHI NGƯỜI DÂN MONG MUỐN THỰC HIỆN CÁC QUYỀN VỀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Khi phụ nữ tiếp cận được với KHHGĐ tự nguyện, họ sẽ có cơ hội giãn khoảng cách giữa các lần sinh con và điều này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bà mẹ và con cái của họ. Thực hiện KHHGĐ cũng góp phần giảm nguy cơ tử vong và khuyết tật liên quan tới mang thai hoặc sinh con quá sớm/quá muộn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.


Thực hiện KHHGĐ có vai trò rất quan trọng trong việc giúp người dân thoát khỏi đói nghèo. 
Các biến chứng có thể xảy ra trong giai đoạn mang thai và khi sinh nở là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ em gái lứa tuổi từ 15-19 tại các nước đang phát triển. Chính vì thế tiếp cận được với các thông tin và các phương tiện tránh thai có thể góp phần bảo vệ cuộc sống của thanh niên và vị thành niên. Khi thanh niên và vị thành niên tiếp cận được với càng nhiều thông tin, họ sẽ có nhiều cơ hội đưa ra những sự lựa chọn tốt hơn và có thể mang lại cho chính mình một tương lai tốt đẹp hơn.


Khi phụ nữ không phải trải qua nhiều lần sinh nở nguy hiểm đến tính mạng, nếu mỗi lần mang thai đều mạnh khỏe và mỗi lần sinh nở đều được an toàn, thì nguy cơ tử vong mẹ sẽ giảm và sức khỏe của bản thân người phụ nữ sẽ được cải thiện. Trẻ sinh ra sẽ khỏe mạnh hơn và sức khỏe của trẻ trong những năm tháng đầu đời sẽ tốt hơn. Sức khỏe được cải thiện sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế như: mức đầu tư vào giáo dục sẽ tăng lên, năng suất lao động cao hơn, tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động lớn hơn và cuối cùng mức thu nhập, tiết kiệm, đầu tư và tích lũy tài sản cũng sẽ tăng lên.


Các biện pháp tránh thai giúp trẻ em gái không mang thai ở lứa tuổi vị thành niên. Các em sẽ có nhiều cơ hội được tiếp tục học tập, sẽ thu thập được nhiều kỹ năng sống tốt hơn để sau này có nhiều cơ hội tìm kiếm các công việc được trả lương tốt hơn.


Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ lây nhiễm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục cao nhất trong nhóm thanh niên và vị thành niên trong độ tuổi từ 15-24. Cung cấp các dịch vụ KHHGĐ, đặc biệt là cung cấp bao cao su nam và nữ sẽ góp phần đẩy mạnh công tác phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Bao cao su có tác dụng bảo vệ kép, vừa giúp người sử dụng phòng tránh lây nhiễm HIV vừa có tác dụng ngăn ngừa việc mang thai ngoài ý muốn. Các dịch vụ KHHGĐ cũng có khả năng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nếu phụ nữ nhiễm HIV muốn thực hiện phòng tránh thai. 

.
Với các lý do nêu trên, có thể nói quyền thực hiện KHHGĐ sẽ là cơ sở để người dân có thể thực hiện các quyền khác như quyền chăm sóc sức khỏe, quyền tham gia học tập đồng thời cho phép người dân có được một cuộc sống tốt hơn. Cách thức tiếp cận dựa trên quyền trong thực hiện KHHGĐ sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin chính là biện pháp can thiệp hiệu quả nhất với chi phí thấp nhất nhằm giải quyết các vấn đề tử vong và bệnh tật ở người mẹ. Đảm bảo tiếp cận phổ cập với các dịch vụ chăm sóc SKSS, bao gồm KHHGĐ sẽ giúp các quốc gia đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu một cách nhanh chóng hơn.


UNFPA VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH


Cải thiện việc tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ tự nguyện là trọng tâm ưu tiên trong các nhiệm vụ của UNFPA. Hiện UNFPA đang phối hợp chặt chẽ với các quốc gia nhằm tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai và phòng ngừa, kiểm soát và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
UNFPA đã và đang thực hiện các công tác tuyên truyền vận động nhằm: (1) khuyến khích các quốc gia tăng mức đầu tư vào các dịch vụ KHHGĐ; (2) tăng cường đảm bảo an ninh hàng hóa SKSS; (3) hỗ trợ cho những nỗ lực đa dạng hóa các biện pháp KHHGĐ và (4) cải thiện chất lượng dịch vụ. Một trong những ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh việc tiếp cận thông tin và cung cấp dịch vụ cho vị thành niên và cho các nhóm dân số thiệt thòi khác.


Kế hoạch chiến lược mới của UNFPA đặt mục tiêu “Đáp ứng tất cả các nhu cầu về các biện pháp KHHGĐ tới năm 2030”. Đây là một trong ba kết quả mang tính thay đổi được đặt ở vị trí trung tâm trong Kế hoạch mà Quỹ Dân số Liên hợp quốc mong muốn thực hiện.


Trong năm 2017, các biện pháp tránh thai do UNFPA cung cấp (các biện pháp tránh thai hiện đại) có thể đáp ứng được 27 triệu người sử dụng.


Những biện pháp tránh thai này có thể giúp chúng ta ngăn chặn:
• 13,5 triệu ca mang thai ngoài ý muốn
• 32.000 ca tử vong mẹ
• 207.000 ca tử vong trẻ em 
• 4,1 triệu ca phá thai không an toàn
Các biện pháp tránh thai do UNFPA cung cấp trong năm 2017 có thể đã giúp các gia đình và hệ thống y tế tiết kiệm được một số tiền tương đương với 819 triệu đô la – chủ yếu là các chi phí trực tiếp liên quan tới chăm sóc sức khỏe (các chi phí chăm sóc y tế trong thời gian mang thai và sinh nở).

Theo: www.suckhoedoisong.vn 



 




Trang Chí Đạt

  In bài viết



tin nổi bật


Đơn vị trực thuộc

Giải Nobel Y học